Phòng tránh cong vẹo cột sống ở trẻ

Biến dạng cột sống là sự thay đổi về hình dáng hoặc cấu trúc của cột sống so với bình thường. Biến dạng cột sống bao gồm cong cột sống và vẹo cột sống. Do vậy khi nói về biến dạng cột sống lứa tuổi học đường, người ta thường quen dùng thuật ngữ "Cong vẹo cột sống".

Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau.

Cong vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân, trong đó có khi do bẩm sinh từ lúc mới sinh ra, hoặc do ngồi quá sớm, suy dinh dưỡng lúc bé và sai lầm trong tư thế ngồi học của học sinh. Bệnh dễ dàng phát hiện khi kiểm tra qua một số tư thế cơ bản và tư thế ngồi học.

Đối với trẻ em bị cong vẹo cột sống cần được phát hiện và chữa trị, phục hồi chức năng sớm để có kế hoạch theo dõi, khám thường qui và điều trị thích hợp nhằm loại bỏ hoặc giảm tối đa các ảnh hưởng của nó tới người bệnh.

Tình trạng cong vẹo cột sống có thể ít hay nhiều, từ đó dẫn tới các dị tật ở mức độ khác nhau, cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp, gây đau, có thể gây biến dạng khung chậu, nếu là nữ thì trở ngại tới việc sinh con. 

Ở các trường hợp nặng, bắp thịt bị kéo căng và có hiện tượng đau, xương ngực có thể bị biến dạng, tim phổi xê dịch vị trí, chiều dài của lưng bị ngắn lại. Xương chậu cũng có thể bị quay lệch, các cơ quan trong ổ bụng cũng có thể dịch vị trí do đó gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng.

Phòng tránh cong vẹo cột sống ở trẻ
Phòng tránh cong vẹo cột sống ở trẻ


Việc điều trị sớm có tầm quan trọng đặc biệt nhằm ngăn chặn sự biến dạng cột sống dẫn tới biến dạng tư thế, khung chậu, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng hô hấp và tuần hoàn. Với các biện pháp kỹ thuật điều trị thông thường như vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, chỉnh lại tư thế đứng ngồi trong sinh hoạt nhất là việc ngồi học của các em học sinh..., tình trạng bệnh sẽ được ổn định.

Nếu để đến lúc trưởng thành, cột sống không còn mềm dẻo, đã có biến dạng nặng thì việc điều trị sẽ khó khăn. Trong trường hợp này, có thể phải phẫu thuật chỉnh hình nhờ vào một loại nẹp kim loại đặc biệt được đặt cố định vào cột sống trong thời gian dài để nắn chỉnh. Các bước phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ biến dạng của cột sống, nói chung là khá tốn kém cả về tiền bạc và thời gian.

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Đảm bảo một chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin. Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng. Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Trong nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em học sinh để đảm bảo ánh sáng tốt hơn.

Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học phù hợp, không cho trẻ học thêm quá nhiều. Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía. 

Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và điều trị kịp thời. Phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao để các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.

Cha mẹ và giáo viên phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con mình ngồi học đúng tư thế, theo dõi kiểm tra sự phát triển về thể lực của trẻ, quan sát thấy những bất thường về cột sống thì nên cho trẻ đến khám và điều trị kịp thời ở những cơ sở y tế chuyên khoa tránh tình trạng để bệnh quá nặng sẽ khó phục hồi.

►Xem thêm: Thoái hoá khớp vai

Nhận xét

Bài đăng phổ biến